Sunday 27 December 2015

Hội hè miên man


Vậy là đã hơn một năm kể từ lần cuối tôi viết blog. Cũng là Paris. Lần này tôi bắt đầu một tình yêu mới, Paris.

Paris có gì?

Paris là chốn hội hè miên man...

Trong một quán bar Paris
Những ai đã từng đọc Hemingway không thể không muốn thời trai trẻ được sống ở Paris, để nhìn lại những thời trai trẻ của những năm 20. Paris sống qua hàng thế kỉ, dường như thành phố này là một cuộc sống không bao giờ biết mệt. Con đường nhỏ dẫn tới quán cà phê trong ngõ lúc nào cũng đưa người ta vào thế giới của những năm đầu thế kỉ trước.

Với tôi, Paris là những buổi tối thứ 4 hàng tuần khi tôi bước vào chiếc xe thời gian để tới một xưởng vẽ đẹp cũ kĩ, gặp gỡ những họa sỹ Paris và cùng vẽ với họ. Người ta không thay đổi chút gì trong căn phòng ấy kể từ năm 1902. Chiếc ghế kia Picasso đã từng ngồi, cô người mẫu kiatừng là người tình giai nhân trong một bức họa nào đó của Modigliani đa tình. Những người nghệ sỹ của ngày hôm nay nói với tôi rằng ở đây có ma, những bóng ma vẫn ngày đêm sáng tác nghệ thuật với rượu và những cuộc hội hè say sưa. Xung quanh tôi là những người nghệ sỹ đẹp và sống động, những người đàn ông với bộ râu dài hay để ria mép thoăn thoắt lia cây cọ trên mặt toan, một cô họa sỹ môi son đỏ nhưng đoan trang với vòng hạt trai và ruy băng đen, mấy chàng sinh viên trẻ tóc dài có khi vừa rời khỏi quán rượu cùng với bất kì một người họa sỹ trường phái ấn tượng nào đó, hai bác họa sỹ đứng tuổi luôn đứng cạnh nhau, một trong số họ là một người hài hước và cũng là người điều hành buổi vẽ... Tất cả chăm chú vào từng đường nét của cô người mẫu với vẻ mặt phục hưng và thân mình đầy đặn. Cứ thế 3 giờ đồng hồ trôi qua, xen kẽ là những ly rượu và lời bình luận tranh của nhau trong căn phòng nhỏ ở chốn Montparnasse, nơi những giấc mơ nghệ thuật Paris đã và đang được sống.



Lần đầu tiên tới đó, khi được giới thiệu với một anh họa sỹ có khuôn mặt sắc cạnh như những bức tranh của anh, tôi nói rằng có thể sẽ sống ở Paris một thời gian. Anh nói: "Tuyệt quá, thế thì cô tới đúng chỗ rồi. Cô đang ở nơi đẹp nhất Paris đó!".

Sau đó, tôi sẽ khước từ lời đề nghị ăn tối ở một nhà hàng đối diện xưởng vẽ để rảo bước ra bến tàu trong đêm tối lung linh của Paris, tâm hồn vẫn vương lại ở những năm 20 hay sau đó cho tới tuần sau :).


Xưởng vẽ ở Montparnasse


Căn phố ciné :)
Paris lại là những buổi tối đi xemconcert nhạc giao hưởng thính phòng, xung quanh là những người đã qua thời trai trẻ ở thành phố này. Chắc chắn trong số họ có những người đã từng là những nhạc trưởng, nhạc công hay nghệ sỹ opera. Tôi thi thoảng quan sát xung quanh và bắt gặp những bàn tay gõ theo nhịp, đưa lên cao rồi hạ xuống, hay vung mạnh rồi chụm lại thật nhanh. Họ đi xem để sống lại thời hoàng kim của mình, để cảm thụ âm nhạc và rơi lệ ở những đoạn cao trào. Rạp hát lúc nào cũng kín, bất kể ngày thường hay ngày lễ. Người Paris trân trọng văn hóa nghệ thuật. Có lẽ đó là điều khiến tôi tìm thấy nước Ý ở trong đó. Nói tới đây là tôi lai nhớ về Ý. Có thể một ngày không xa tôi sẽ rời bỏ hẳn nó ra đi, nhưng những con người cũng như chốn đẹp đẽ ấy vẫn sẽ mãi là một phần trong tim.

Thành phố này luôn sống và mời gọi người ta cùng sống với nó. Cuộc sống ở Paris luôn hối hả, ở những cuộc gặp gỡ và trò chuyện không dứt, một quán bar quen gần nhà hay những buổi chiều sông Seine thơ mộng.

Vậy là tôi đang rẽ sang một chặng đường mới, một nơi chốn mới, một tình yêu mới.

Friday 10 October 2014

Paris


Nhận được tin vui về việc sang Paris, tôi rủ Stefania và Brikena ra quảng trường Cavalieri để uống rượu mừng. Tôi đã mua sẵn một chai vang trắng để trong tủ lạnh, giờ chỉ cần mang ra kèm mấy chiếc ly là đủ. 

Chúng nó hỏi tôi: “Mày mang ly ra tận quảng trường á?”, tay cầm sẵn mấy chiếc cốc nhựa dùng một lần. Tôi nói “Tại sao không? Rượu vang thì phải uống bằng ly này chứ!” chúng nó cười vang và nói “Ừ đúng là với mày thì cái gì cũng có thể làm được”. Và thế là ba chúng tôi vui vẻ đi nhanh ra phía quảng trường chỉ cách nhà có vài bước. 

Ánh trăng rằm sáng vằng vặc soi vào bờ vai chúng tôi và của chàng trai trẻ tóc dài ngồi  chơi ghita trên bậc thềm, thi thoảng lại hát lên những đoạn nhạc tông cao vút. Tôi còn đùa với chúng nó là cẩn thận nó hóa sói lúc nào không hay. Xung quanh tôi là những bạn trẻ người Ý và từ các nước lân cận. Họ hát hò, trò chuyện, hút thuốc lá và cần sa, đi dạo và dừng lại chào nhau rồi lại đi tiếp. Tất cả diễn ra thật sinh động ở một góc nhỏ của quảng trường, dưới ánh sáng trăng màu bạc và những làn gió nhẹ của đêm mùa xuân.


Roma



Tôi gặp Alessandra vào một chiều nắng tháng Một ở Roma. Tiết trời se lạnh đan xen vào giữa dòng người hối hả gần Vatican. Chúng tôi đứng hai bên đường vẫy tay chào nhau trước khi Ale sang đường, duyên dáng với chiếc áo măng tô đỏ tươi bao lấy khuôn mặt sáng bừng. Tôi khen váy chị đẹp và chị còn đẹp hơn, rồi chúng tôi rảo bước về phía Vatican để tìm một quán cà phê ngồi tán gẫu. Tôi thầm ước mình là một họa sỹ để có thể phác họa ngay Ale tại đó, với làn da rám nắng, mái tóc nâu sẫm và đôi mắt sáng, to và hơi xếch, rất giống Audrey Hepburn.


Alessandra hơn tôi 1 tuổi, là người yêu của anh bạn thân Marco. Mặc dù ít gặp nhau vì tôi ở Pisa còn chị thì ở Roma, chúng tôi luôn coi nhau là bạn tốt và thường xuyên cập nhật tình hình của nhau qua Marco. Chị nấu ăn khéo và đặc biệt là làm bánh rất ngon. Là người Roma, yêu Roma, Ale từng nói với tôi rằng việc sang sống tại Ireland của chị là một quyết định vô cùng khó khăn vì điều đó đồng nghĩa với việc chị sẽ phải rời bỏ thành phố của chị, cái thành phố đã nằm trong trái tim chị ngay từ khi sinh ra. Tôi cũng phải công nhận Roma đẹp, quyến rũ và làm mê đắm lòng người. 

Hard Rock Cafe - Roma


Chúng tôi rảo bước trên đại lộ Veneto lúc trời chập tối, con đường dẫn tới quán Hard Rock café, nơi có một anh chàng barista người châu Á mà chị quen từ lâu. Trên đường đi, những câu chuyện mải miết  của chúng tôi vương lại trên đám lá khô bên đường. Gió lạnh khiến chúng tôi bước nhanh hơn, đi qua những đoạn đường mà trong thời kỳ hoàng kim của những năm 50 60 là nơi tụ họp của giới hoạt động nghệ thuật và những người nổi tiếng. Đôi lúc tôi có cảm giác mình đang sống trong thời đại ấy, với những khung cảnh và ý niệm xưa cũ.

Thursday 27 February 2014

Ô liu


Pisa sau vài ngày nắng đã lại trở lại bình thường, tức là mưa... Trước khi sang Ý, tôi cứ nghĩ Pisa là thành phố thuộc vùng Toscana thì chắc chắn sẽ tràn ngập nắng đẹp (vì chỉ nghe đâu đó cụm từ "Under the Tuscan sun") và cánh đồng hướng dương bát ngát. Can tội không tìm hiểu (để thêm phần bất ngờ) mà đến bây giờ tôi vẫn ngạc nhiên (và hơi thất vọng) vì Pisa mưa nhiều quá, nhiều như Huế vậy, mà cũng chưa thấy cụm hoa hướng dương nào cả.

Mưa. Thôi thì viết một chút vậy!

Tôi không có thói quen và cũng không muốn tìm hiểu trước về những nơi mình sẽ đến. Có lẽ vì vậy mà những chuyến đi của tôi đến thật bất ngờ và nhanh chóng. Tôi thường quyết định nhanh và dứt khoát (trừ những lúc chần chừ thì sẽ không quyết gì cả), nhất là trong việc đi chơi :P. Tôi không tìm kiếm thông tin, hình ảnh về nơi đến mà cho phép mình tự nhiên đón nhận nó. Sự đón nhận ấy có cảm xúc đột ngột xen lẫn chút ngạc nhiên và hiếu kì, có mong muốn và hào hứng gặp gỡ, trò chuyện, ngắm nhìn, đôi khi là đối thoại bằng cử chỉ và ánh mắt với những người có mặt trong suốt chặng đường của chuyến đi.

Có thể bạn nghe thấy hơi khó hiểu ... Bài viết này có lẽ sẽ hơi rời rạc vì tôi cũng chưa có ý tưởng rõ ràng, tâm trạng hơi lộn xộn một chút.

Tôi đang viết trong khi nghe nhạc với thổ ngữ vùng Salento ở miền Nam nước Ý, nơi mà người ta gọi là "gót giày" trên bản đồ, nơi tôi vừa đặt chân tới hai tuần trước đây. Sau khi về nhìn lại bản đồ Ý mới thấy tôi vừa đi một chặng đường rất dài, chả gì mà mất tận 9 tiếng đi tàu mới về đến Pisa.

Hôm vừa rồi gặp một thằng bạn cùng lớp, nó cười hớn hở hỏi: "Về rồi đấy à?". Tôi còn chưa kịp định thần: "Từ đâu cơ?", nó bảo "Từ dưới đấy ý". "Dưới đấy" (giu) chính là miền Nam, nơi lúc nào cũng đem lại cho tôi những cảm xúc thật đặc biệt, đôi khi có thể nói là rất xúc động.

Năm 2012 tôi dành một tháng ở Palermo, Sicilia. Tôi sẽ viết về nó nhiều hơn sau, vì nếu không tôi cảm giác mình vẫn đang mang nợ thành phố ấy một tình cảm dạt dào chưa bày tỏ hết.

Đầu năm nay, tôi lại được có dịp 'xuống' miền Nam, nhờ một anh bạn mới quen nhưng rất tốt. Cũng vì hợp tính nên thi thoảng anh này lại rủ tôi đi chơi. Còn gì sướng bằng!

Salento tràn ngập nắng, ô liu và hương chanh. Đó là những gì tôi vẫn còn cảm nhận được đến giờ phút này. Tôi còn nhớ được hơi thở cuộc sống của những người bạn mà tôi gặp nơi ấy. Nó tự nhiên, hết mình, tràn ngập văn hóa tinh thần và tình yêu với chính cuộc sống. Tôi may mắn được gặp nhiều người đặc biệt, từ anh bác sỹ nhãn khoa trẻ ở hiệu kính mắt nhiệt tình và dễ thương đã tặng tôi cặp kính áp tròng (do đi vội nên tôi bỏ quên kính ở Pisa), tới những người nghệ sỹ chơi nhạc, những người yêu nghệ thuật và cái đẹp, em bé 12 tuổi ở vùng quê chưa gặp người châu Á bao giờ với cái nhìn hiếu kì không chớp mắt dành cho tôi, rồi sau đó lân la trò chuyện, hay những người phía Bắc chuyển tới Salento sống trong lòng những rặng cây ôliu cổ thụ chỉ vì yêu nơi này quá. Cuộc sống phức tạp nhưng đơn giản hơn nhiều nếu sống vì tình yêu như thế, hay có khi là ngược lại thì tôi không rõ nữa.



Chặng đường tới một bán đảo nhỏ phía đông nam nước Ý (thuộc vùng Puglia)

Mỗi ngày về tới nhà là anh bạn tôi lại giở bản đồ chỉ cho xem những nơi mình đã đi trong ngày. Tôi cảm giác như một đứa trẻ sung sướng lần theo con đường trên hình và đánh vần tên địa danh (tên tiếng Ý dài lắm, cứ từ 3-4 âm tiết trở lên nên tôi dùng từ "đánh vần" là chuẩn xác). Tôi lại thấy mình may mắn được có dịp đi nhiều, tới những nơi mà mấy đứa bạn Ý của tôi còn chả biết.

Chỉ đến khi ở đây tôi mới biết đến nhạc cụ tamburello và điệu nhảy Pizzica. Trên tàu về Pisa, tôi tình cờ gặp và quen một chị nhạc sỹ/ca sỹ người Ý hiện đang sống ở Bologna nhưng thường xuyên tới Puglia để lấy cảm hứng và sáng tác. Chị kể lại cho tôi về sự tích của điệu nhảy Pizzica, cái tên có nghĩa là hành động "cấu". Nó bắt nguồn từ thời xưa khi những người phụ nữ vùng này trong lúc làm việc đồng áng bất ngờ bị nhện độc cắn. Họ chạy tới nắm lấy nhạc cụ tamburello và nhảy hăng say như thể trút hết những ức chế ra ngoài, cho tới khi chất độc ra khỏi cơ thể mình. Ngày nay cứ vào mùa hè người ta lại tổ chức Đêm Taranta - La notte della Taranta (taranta nghĩa là con nhện), lễ hội của điệu nhảy pizzica.



Một tuần chưa đủ để cảm nhận nhiều, nhưng tôi thấy ở đó những cuộc đời đang được sống. Người ta sống gấp đôi, gấp ba lần những nơi khác. Đến thiên nhiên cũng vậy. Tôi vừa đi vừa hỏi sao mà nhiều ô liu thế, nhiều không tả xiết. Tôi rất thích cây ô liu nữa nên lại càng thấy choáng ngợp và hân hoan. Dạo bước và ngắm nhìn, tôi nghĩ thế giới (hay cuộc sống) cũng như những rừng ô liu này; người ta lạc vào giữa những hàng cây, để rồi sau đó vô tình gặp nhau dưới bóng một cây ô liu nào đó thật đẹp, như tôi đã và đang gặp những người bạn tuyệt vời của tôi vậy.

Bài viết này sẽ có tên là "Ô liu" :)

Tác giả và cây ôliu :)))))



Saturday 30 November 2013

Sardegna


Có rất nhiều điều để nói về Sardegna, tôi sẽ nghe theo ông George Orwell là cố gắng  viết xúc tích, cô đọng mà vẫn đủ ý... khó quá!

Cả ngày hôm nay ngồi học toán (để thứ hai này thi) thành ra bây giờ tôi lại có hứng tập làm văn . Tối nay lẽ ra tôi đã được ăn porchetta (nôm na là lợn sữa quay) ở nhà Marco nhưng tiếc là tôi lại bị ốm (mấy hôm vừa rồi lạnh quá nên ai cũng sụt sịt rồi viêm họng) nên không sang được. Cũng vì vụ này mà tôi nhớ đến Sardegna - cùng với Sicilia là hai hòn đảo lớn của Ý (bên cạnh những đảo nhỏ khác như Elba, Capri...). Marco người Sardegna, là người bạn đầu tiên ở Pisa của tôi, cũng là người tôi rất quý. Còn nhớ mấy hôm mới tới Pisa, tôi được Marco dẫn đi "giải ngố" ở 1 trong những quán pizza ngon nhất ở đây, cùng với hội bạn. Tôi lúc đấy tiếng Ý còn chưa sõi, ăn pizza còn rất chậm (mà lại còn được mọi người dành phần nhiều), chưa quen ăn tối từ 10h (Hôm đấy nghe bảo hẹn nhau 9 rưỡi, tôi hỏi lại : tức là ăn ở nhà hay thế nào? Thế là mọi người chiếu cố hẹn lại 9h, cao su thành 9 rưỡi, đến quán và ngồi vào bàn là 10h). Tất nhiên bây giờ tôi đã tiến bộ hơn nhiều rồi :).

Tháng 6 vừa rồi gặp Marco tôi nói hè này tự dưng muốn đi nghỉ 1 tháng ở Sardegna. Anh ngạc nhiên: "Một tháng?!!?". Chả là Sardegna là trung tâm nghỉ hè của Ý và các nước lân cận như  Đức, Pháp (mặc dù nằm ngay gần Corsica), chủ yếu là dân nhà giàu. Nghe nói Berlusconi còn có biệt thự (hay dinh thự) ở đấy. Sau khi nghe tôi giải thích về "kế hoạch nghỉ dưỡng" của mình, anh gật gù: "Ừ, mày thông minh ra phết, có thể thực hiện được!". Thế là tôi nhắn tin hỏi Mattia - một thằng bạn người Sardegna tôi quen từ năm ngoái ở Palermo - xem nó đang ở thành phố nào. Sassari! Sau 1 tuần, tôi đã mua vé máy bay và 1 tuần sau đó thì tìm được nhà thuê trong tháng 8. Vậy là yên tâm học hành thi cử. 29/7 tôi thi xong và sáng sớm ngày 30 sẽ bay đến Alghero (thành phố du lịch phia Bắc Sardegna với sân bay quốc tế, cách Sassari hơn 30 phút xe buýt).

Sassari là thành phố sinh viên với trường đại học lớn, vì thế nên theo logic của tôi, tháng 8 sẽ là thời gian sinh viên nghỉ hè và việc tìm nhà chắc chắn sẽ không mấy khó khăn. Tôi thuê được phòng rất rộng rãi và thoáng mát trong một căn hộ lớn với giá cả phải chăng. Tường sơn màu cam nên tôi thích ngay và quyết định thuê qua internet từ lúc còn ở Pisa, lại còn ngay gần nhà Mattia, rất tiện lợi. Marco cùng người yêu là Alessandra sẽ về Sardegna nghỉ hè trong 3 tuần (đôi này còn ghen tị là về ít hơn tôi!) và chúng tôi dự định sẽ đi chơi với nhau mấy ngày.

Tôi vốn không muốn đi đến nơi nào quá ít ngày, một là do vừa đến chưa kịp quen đã phải đi, hai là do tôi lười, chỉ muốn thảnh thơi, ba là tôi ngại thăm thú nhiều mà chủ yếu muốn đi chơi tán gẫu với bạn bè. Nói thế cũng không hẳn, nhưng tôi muốn có nhiều thời gian, lúc nào muốn đi chơi thì đi, gặp bạn thì gặp còn mệt thì nghỉ (nói thế này có vẻ vừa gãy gọn vừa đủ ý). Thành ra tôi thường đến nơi nào có bạn bè, như thế lại có cơ hội gặp nhau luôn. Bọn bạn khác của tôi nghe xong cũng choáng: "Mày điên rồi, 1 tháng!"; "Lại còn mang sách vở đi nữa, đảm bảo mày không học !" - cái này thì chúng nó nói đúng. Tôi mang một đống tài liệu Kinh tế vĩ mô (để tháng 9 quay về Pisa thi) mà không động một chữ nào. Trong một tháng, tôi cũng chỉ lanh quanh ở khu vực phía Tây Bắc đảo chứ cũng không đi nhiều.

Alghero đón tôi với những cơn gió mát của buổi sáng sớm. Máy bay hạ cánh lúc khoáng 7 hay 8 giờ gì đó. Trong lúc chờ xe buýt tôi ra ngoài đi dạo một vòng để ngửi hương vị đảo xem nó ra làm sao, cố tìm vị mặn mặn trong gió mà không thấy, chắc do sự trong lành của nắng sớm đã lấn át nó mất rồi.

Sau khoảng 40 phút tôi đã có mặt ở ngã ba đường quốc lộ thành phố Sassari. Từ đó về nhà tôi khá dễ mà tôi mò mãi mới tới nơi, vì cái phố này hỏi chả ai biết (mà tên nghe khá hay, Via Quarto). Sassari cũng nhỏ nên đi lại rất tiện, chủ yếu là đi bộ, còn khi nào ra biển thì đi ô tô hoặc xe buýt. Trưa hôm đó tôi sang nhà Mattia ăn trưa. Lâu không gặp nên vui, cả rổ chuyện để buôn với bán. Thằng bé học y, 22 tuổi nhưng người lớn và lý luận khá sắc bén. Nó thông minh và điềm đạm, chắc chắn sau này sẽ thành công, tôi mong như vậy. Tôi có gặp các bạn của nó, chủ yếu là dân y. Cũng có thể do khoa Y của trường Đại học Sassari khá tốt (nghe nói gần đây mới xuống cấp) mà tôi nhận thấy có rất nhiều sinh viên y ở đây. Sassari có nhiều cọ trồng dọc đường, rất "địa trung hải" nhưng thành phố thì không mang dáng vẻ cổ kính. Chúng nó bảo vì đây chỉ là một thành phố bình thường, không phải địa điểm du lịch. Tuy vậy, khu phố cổ ở trung tâm cũng đẹp lắm, đường dốc và lát đá, với những con ngõ nhỏ lắt léo, thi thoảng bắt gặp một chiếc vespa dựng thảnh thơi - những cảnh tượng đặc trưng của Ý. Tôi sẽ không quên những buổi tối đi dạo quanh trung tâm Sassari, làm quen với bạn mới, rủ nhau đi biển ngày hôm sau... Ban ngày ở đây nóng nhưng đến tối thì mát lạnh, phải mặc thêm áo khoác. Tôi có thêm nhiều bạn, thậm chí trong đó có cả một người là cảnh sát. Có một hôm tôi đang đi bộ trên vỉa hè, bỗng nghe thấy có người gọi to "Ciao May!". Tôi quay ra thì thấy anh bạn ngồi trong xe cảnh sát đang đi tuần vẫy tay cười chào. Tôi cũng chào và lớn tiếng hỏi thăm mà không kịp tới gần. Vui như thế đấy! Rồi bạn cùng nhà tôi cũng vui, chúng tôi đi biển vào cuối tuần với nhau vì nó đi làm trong tuần. Nó cũng là bác sỹ nhưng là nghiên cứu tế bào, thành ra mỗi lần ăn thịt là nó lại ghê tay vì kêu ban ngày ở phòng thí nghiệm toàn phải "cắt thịt người". Con bé cá tính và phớt đời, đốt thuốc suốt ngày, dễ thương và hài hước. Thi thoảng trước khi đi làm nó lại để sẵn cà phê và nhắn tôi đun mà uống (do tôi không mua cà phê vì không muốn uống nhiều, đang trong kì nghỉ mà ;) ).

Nghe nhạc trên đường vào 1 buổi tối ở Sassari:



Nước biển ở đây trong như pha lê cộng thêm cái màu xanh mà trước đây tôi chỉ thấy trên tivi hoặc trên mạng. Có một điều thú vị là Sicilia và Sardegna luôn có hơi hướng cạnh tranh nhau về vẻ đẹp. Vì năm ngoái, cũng tháng 8 tôi đã ở Sicilia nên gặp ai là người Sicilia hoặc Sardegna cũng được hỏi là thấy nơi nào đẹp hơn (đôi khi lại còn bị bắt trả lời chọn 1 trong 2). Với tôi thì mỗi nơi có một ấn tượng riêng, không chỉ gắn với vẻ đẹp của phong cảnh, mà còn ở cả phong tục, con người, không khí, âm thanh, mùi vị ... Có lẽ ấn tượng mạnh nhất với tôi ở Sardegna lại không phải là biển (mặc dù biển luôn là điều đẹp đẽ nhất của thiên nhiên đối với tôi) mà lại là thời gian tôi ở với gia đình nhỏ của Marco. Hai bác (bố mẹ Marco) vô cùng đáng yêu và trẻ trung, tâm lý. Tôi ở Macomer 4 ngày, thời gian ngắn nhưng không bao giờ quên được. Thực ra vì tôi không ở với gia đình nên mỗi lần đến nhà các bạn là tôi thấy xúc động lắm (chưa làm gì đã xúc động rồi). Tôi vừa tới là đã được thu xếp phòng ngủ, chăn ga, áo choàng tắm, khăn tắm ... Nghỉ ngơi một lúc là chúng tôi đi biển luôn. Ngày nào cũng vậy, sáng sớm bác gái đi mua bánh mì (theo đúng sở thích của từng người) và đồ ăn, rồi về sửa soạn bàn ăn sáng và chuẩn bị bánh, hoa quả, nước vào túi giữ lạnh. Chúng tôi chỉ việc dậy ăn sáng rồi mang đồ ăn đi biển. Chiều tối về đến nhà, chúng tôi tắm rửa và bác gái lại cho đồ vào máy giặt để kịp khô cho sáng hôm sau. Chúng tôi đi các bãi biển khác nhau, có nơi phải băng qua một khu như sa mạc. Nhưng đến khi nhìn thấy được biển thì ôi chao, lòng sung sướng và rạo rực. Tôi cứ rú lên sung sướng mà đôi khi cảm giác người ta phát chán vì cái vốn tiếng Ý còi cọc của mình, lúc nào cũng chỉ có vài từ: bello, fantastico, grande... mà chẳng có ngôn từ nào hay ho hơn cả. Ngay cả với ẩm thực cũng vậy, tôi phải học thêm nhiều từ mới chứ cứ khen mãi buonissimo thì nhàm tai quá. Người Ý ai cũng nấu ngon, khi được ăn ở nhà lại còn được khuyến mại thêm tình cảm của người nấu nên món ăn vì thế càng ngon.hơn. Tôi được ăn món lợn sữa quay do bác gái làm và bác trai cắt. Hai bác chăm chút cho món ăn của bữa tối hôm đó khiến tôi xúc động quá. Bác đã mua đồ chuẩn bị từ trước hôm tôi đến, và cả nhà hẹn sẽ làm một bữa tối thịnh soạn (mặc dù với tôi các bữa khác cũng thịnh soạn lắm rồi, bữa nào cũng có rượu hợp với đồ ăn và có cả rượu tráng miệng do chính tay bác trai cất từ nho của vườn). Có hôm chúng tôi lên đồi, dọc đường hái quả mâm xôi để mang về nhà (tôi thì hái đến đâu ăn hết đến đấy). Trên đỉnh đồi cao là một chiếc giếng trời hay có thể gọi là tháp, đắp bằng đá từ thời kì đồ đồng mang tên nuraghe Santa Barbara. Leo lên đến đỉnh giếng, toàn cảnh Macomer sẽ hiện ra trước mắt, với thị trấn và làng mạc nhỏ tí. Tôi lên đến nơi đúng vào lúc hoàng hôn, một cảnh tượng không bút nào tả xiết. Tôi có cảm giác như đây là tận cùng của thế giới vì đang ở quá gần mặt trời. Đẹp quá! Đến lúc mặt trời lặn rồi mà tôi vẫn còn tiếc nuối nên nán lại một chút rồi mới xuống. Đúng như Pavese đã nói "Chúng ta không nhớ đến ngày tháng, mà nhớ đến khoảnh khắc". Đời thế này là quá đẹp rồi, còn cần gì hơn thế! Chúng tôi cả nhà 5 người còn có 1 ngày ở đảo Isola Di Mal Ventre, một thiên đường, đẹp hoang dại. Chúng tôi đi dạo quanh đảo, bác Valter chỉ cho tôi nhiều loại cây, động thực vật. Cứ như tôi đang lạc vào một hoang đảo vậy. Thế mới thấy con người thật may mắn được sống trong thiên nhiên tươi đẹp (thế mà cứ đi phá hoại là ra làm sao?!)

Marco và Alessandra đưa tôi về tận nhà ở Sassari (hôm đầu tôi đi tàu đến Macomer cho tiện và hai anh chị ra đón ở ga). Tôi cũng chả biết nói thế nào cho đủ, chỉ kịp cảm ơn và hẹn gặp lại ở Pisa. Tất cả đều thật tuyệt vời và ấm áp.

Nuraghe Santa Barbara




Đảo Isola di Mal di Ventre:




Có một điều thú vị nữa mà tôi phải kể, đó là cái gió scirocco từ châu Phi. Tôi đã đọc về nó trong cuốn "Chết ở Venice" của Thomas Mann. Nó chỉ ở trong trí tưởng tượng của tôi cho đến khi tôi cảm nhận được nó trên da thịt, thấu vào trong óc vào mấy ngày ở Sassari. Tôi phải dùng từ mạnh như vậy vì nó đúng là như vậy, nóng kinh khủng và cảm giác có thể tê liệt thần kinh vì cái gió này. Ba ngày liên tiếp, nhiệt độ lên tới 42 43 độ. Chúng tôi phải đóng kín cửa sổ để gió không vào nhà, cả ngày không làm gì vì hình như đầu óc chả nghĩ ngợi được nữa.

Biển Sardegna hoang dã, giúp tôi được về với thiên nhiên, cảm giác như mình không thuộc về cuộc sống đô thị nữa. Vì cảnh quan xung quanh cũng góp phần vào vẻ đẹp của biển, Sardegna rất cẩn thận trong việc bảo tồn tài nguyên biển, giữ đúng với trạng thái hoang sơ ban đầu, không cho xây resort hay khách sạn gần bờ biển, khu đỗ xe cũng cách xa. Tôi nhớ lần chúng tôi đi một bãi biển với vách đá dựng đứng. Tôi men theo vách đá và lên tít trên cao, nhìn xuống dưới chân là vực thẳm và nước biển xanh mênh mông. Lại một lần nữa tôi gần mặt trời, chỉ cách một làn nước lấp lánh ở giữa mà thôi. Tôi lặng ngắm biển rộng lớn, hang đá, núi đồi, chân trời... tất cả sẽ in đậm vào tâm trí tôi mãi mãi. Thời gian này tôi như người rừng, tóc dài nhưng không mượt mà khô vì muối biển, da ngăm (may được cái bóng), nói chung là xấu, nhưng tôi không quan tâm. Trái lại tôi lại tự thấy mình đẹp hơn trong tâm hồn, thế là ok hehe.

Tuần cuối cùng ở Sassari, tôi gần như không đi biển, chỉ ở nhà nghỉ ngơi và thư giãn chuẩn bị tinh thần về Pisa. Chưa đi đã thấy nhớ. Hôm cuối tôi hẹn ăn tối với Mattia và định sau đấy sẽ đi dạo một vòng rồi rẽ qua nhà mấy người bạn để chào. Tôi không muốn nói trước vì sợ mọi người lại muốn làm gì để chia tay. Lúc tôi đến nhà Mattia tình cờ lại gặp mấy người bạn cũng tới nhà nó chơi. Chúng tôi cùng lên nhà, vào đến nơi thì đèn đóm không thấy đâu, tối om. Lúc tôi bước vào thì đèn bật sáng, mọi thứ đã sẵn sàng cho một bữa tiệc chia tay!!! Tất cả bạn bè mà tôi đã gặp đều ở đấy và chuẩn bị đồ ăn đồ uống, bóng bay. Tôi xúc động quá, nghẹn ngào chả nói được câu nào. Chúng tôi ăn uống, chuyện trò hát hò rồi lượn phố tới sáng. Tôi kịp về nhà, sắp xếp hành lý và ra sân bay luôn. Một đêm không ngủ và trên máy bay tôi cũng chả ngủ được vì tâm hồn vẫn còn ở lại Sardegna. Hình như phải 2 tuần sau nó mới quay về Pisa với tôi!


Chụp từ vách đá (một tay cầm điện thoại, một tay bám vào đá mà vẫn leo thoăn thoắt)







Monday 11 November 2013

Tiếng Ý


Nói về chuyện tiếng Ý, ở blog trước tôi có nói là đi làm bài tập mà kì thực tôi lên giường lướt FB rồi quên bẵng luôn.

Ngày hôm sau, sau giờ học tôi cùng hai đứa bạn cùng lớp đi ăn trưa. Đến nơi (căng tin) chúng tôi giật cả mình vì hàng dài lê thê. Thế là 3 đứa quyết định ra công viên bên cạnh ngồi chờ cho vãn vãn rồi vào. Giữa thảm cỏ là một chiếc bàn gắn liền 2 ghế dài bằng gỗ đang được hong khô dưới nắng. Chúng tôi đứa nào đứa nấy tìm chỗ có nắng để ngồi vì thời tiết thay đổi, gió hanh khô thổi mạnh khiến ai cũng bất ngờ với cái lạnh đột ngột. Hai đứa chúng nó bắt đầu cuốn thuốc lá (tabacchi). Tôi sực nhớ và lôi sách ra làm bài tập. "Chúng mày cứ hút thuốc đi nhé, tao làm bài tập tiếng Ý cho chiều nay cái!". Chúng nó hăm hở: "Ừ ừ làm đi, có gì bọn tao giúp mày làm luôn!". Thế là một trong hai đứa kể luôn lại vụ tôi và nó mải buôn dưa lê mà muộn giờ học tiếng. Hôm đó nói chuyện thế nào mà lúc nhìn đồng hồ thì còn có 5 phút là vào lớp mà bài tập thì chưa làm, thế là nó bảo: "Thôi để tao xem, xong tao đọc rồi mày cứ thế mà viết nhé, nhanh nhanh!" (tiếng Ý là "vai, vai"). Tôi nghĩ thầm thế này thì học hành nỗi gì, nhưng không còn thời gian mà nghĩ nên nó đọc đến đâu là viết đến đấy chả kịp nhìn đề bài. Thôi tin thằng này vậy (nó là người Ý cơ mà)!

Đến hôm nay kịch bản lặp lại, nhưng tình hình khác trước là bài hôm nay khó - tôi bắt đầu học đến các loại câu điều kiện. Hai đứa bắt đầu tranh luận nào là trường hợp này thì dùng động từ nào cho chuẩn (vì bài tập là chọn động từ nguyên gốc sau đó chia theo các dạng điều kiện), rồi chia như thế nào, rồi động từ phản thân thì làm ra sao... Thế rồi chúng nó quay sang tôi: "Mây, mày thấy chưa, đến bọn tao là Ý mà còn thế này, người Ý còn sai ngữ pháp nữa cơ mà!". Cuối cùng, thằng kia lôi tài liệu học của nó từ trong balo và lấy ra một bảng hệ thống ngữ pháp tiếng Ý !?!. Tôi và con bé kia nhìn nhau ngơ ngác, rồi quay ra hỏi nó: sao mày lại có cái này? mày cũng học tiếng Ý à? :))) nhưng thằng này chăm chú quá không nghe thấy gì và ngay sau đấy tìm ra "công thức". Một lúc sau chúng tôi lại tranh luận về một trường hợp động từ phản thân. Lần này thật bất ngờ và ngạc nhiên tôi lại là đứa làm đúng haha. Thế là chúng nó quay sang nhau rồi quay lại nhìn tôi: "Grande Mây!" (ý là Mây giỏi quá í mà :))) )

Tiếng Ý khó thật, đến người Ý còn nói sai ngữ pháp - đấy là câu cửa miệng mà người Ý động viên người nước ngoài học thứ ngôn ngữ văn chương uyển chuyền đẹp đẽ này. Người Ý nói nhanh (nhưng hình như chưa bằng Tây Ban Nha), với giọng điệu lên bổng xuống trầm, kết hợp với nét mặt và cử chỉ đặc trưng giúp bạn có thể nhận ra người Ý từ xa. Nhiều khi không cần nói, chỉ cần nhìn nhau với một thái độ đặc biệt nào đó, rồi thêm ngôn ngữ cơ thể là có thể hiểu ý nhau ngay. Thế mà người Ý vẫn nói nhiều hehe. Tôi rất thích cách nói chuyện của người Ý vì nó biểu lộ cảm xúc của họ một cách rõ rằng, khó ai có thể nói rằng họ không thành thật khi nói chuyện. Người Ý bị cho là nói nhiều, nói to, nhưng với tôi thì đấy là nhiệt huyết, là hết thảy những gì họ muốn truyền đạt cho nhau (tất nhiên đôi khi cũng gặp phải những người nói "quá nhiều quá to" và cũng có nhiều người rất đỗi nhỏ nhẹ). Có thể vì cách nói chuyện của tôi cũng có phần giông giống nên hơi thiên vị chăng :)

Dante Alighieri
Cứ đi từ thành phố này sang thành phố khác là bạn lại nghe một thứ tiếng khác - một câu cửa miệng khác của người Ý, ám chỉ sự khác nhau của tiếng Ý giữa các vùng miền (tiếng địa phương/thổ ngữ). Tình hình là khá giống với Việt Nam, tự hào vùng miền ở Ý rất rõ ràng. Một lần, tôi nói chuyện với một thằng bạn người Toscana về vấn đề này. Nó bảo bọn tao dùng từ "campanilista" để chỉ những người luôn tự hào về nơi mình sinh ra hoặc đang sống. Nó bắt nguồn từ từ "Campanile" là cái tháp chuông. Nguyên nhân là ở Ý, tháp chuông - nằm trong quần thể nhà thờ lớn - là biểu tượng quan trọng của một thành phố hay thị trấn. Mỗi thành phố, thị trấn đều có một nhà thờ chính kèm theo tháp chuông (ví dụ ở Pisa chính là cái tháp nghiêng, thuộc quần thể Piazza Miracoli gồm Nhà thờ lớn, nơi rửa tội, tu viện...). Chính vì thế mà ai cũng tự hào về "cái tháp chuông quê mình". Tôi không nhớ là chính nó hay một đứa khác đã cho tôi một ví dụ rất điển hình. Quay lại chủ đề tiếng Ý, tôi hỏi: Người ta nói tiếng Sicilia ở Sicilia, tiếng Napoletano ở Napoli, tiếng Veneto ở Venezia, thế ở Toscana chúng mày nói tiếng gì? Nó đáp luôn: "Ơ bọn tao nói tiếng Ý!" Trời ơi! Nhưng mọi thứ đều có nguyên nhân của nó. Người Toscana (đặc biệt là Firenze) rất tự hào vì đây là cái nôi của tiếng Ý hiện nay. Dante Alighieri là nhà thơ cổ người Ý, sinh ra tại Firenze và là người xây dựng nên tiếng Ý sau khi cho ra đời trường ca La divina commedia từ thời trung cổ (trước đó người ta sử dụng tiếng Latin pha với các thổ ngữ, và bắt đầu có một số văn phạm thổ ngữ gần với tiếng Ý). Chính vì thế mà hiện nay tiếng Ý chuẩn được cho là của vùng Toscana. Nhưng ở đây cũng vẫn có nhiều cách dùng hoặc từ ngữ địa phương. Nhờ học tiếng Ý kiểu bồi mà hôm trước đi ăn pizza, hai anh bạn tôi bảo bây giờ tôi không những nói được tiếng Ý mà còn nói tiếng Ý kiểu Toscana cơ đấy!

Hôm vừa rồi chị Giang sang Ý chơi nói với tôi: "Đúng là ở đây không nói tiếng Ý thì chả biết làm thế nào nhỉ!". Đúng thật. Mà không những cần thiết, tiếng Ý còn đẹp. Hơn nữa, theo tôi ngôn ngữ là một phần của văn hóa và xã hội nơi bạn sống. Nó giúp bạn hiểu hơn về con người, cuộc sống cũng như có được những cảm nhận thật hơn. Hiện tại tôi toàn nói tiếng Ý mới choáng chứ (thành ra tiếng Anh lại kém đi vì ít sử dụng). Được cái các bạn cũng nhiệt tình sửa và dạy từ mới, cũng thấy thích! Tôi hầu như hiểu hết nên hay nói với bọn bạn: "Tao không tỏ ra nguy hiểm, nhưng thực sự là rất nguy hiểm đấy!" (nói được câu này bằng tiếng Ý theo đúng tinh thần Việt Nam mà chúng nó cũng tiếp thu đúng kiểu Việt Nam mới sướng chứ!!!)

Tôi mới xem phim La Dolce Vita (tất nhiên là bằng tiếng Ý không phụ đề :P) - một bộ phim nói về xã hội thành thị Italia (cụ thể là Rome) vào những năm 50 - 60 của thế kỉ 20 sau chiến tranh. Tôi chọn một cảnh đêm tại Đài phun nước Trevi (Fontana di Trevi) cực kì đẹp mà tôi và con bé Ý (ở trên) xuýt xoa không ngớt, còn tả lại cảnh với giọng điệu em diễn viên trong phim: Marcello, come here..




Sunday 10 November 2013

Cập nhật

Hôm nay nhân lúc chia sẻ với em Trang về việc viết Blog, tôi chợt có hứng viết một chút gì đó, nhất là sau khi đọc blog của em. Tôi nghĩ đây có khi sẽ là một phương tiện hiệu quả để chia sẻ hơn là Facebook, vì người ta có thể lựa chọn xem hoặc không xem.

Chắc là tôi sẽ bắt đầu từ thời gian và địa điểm hiện tại, tức là tháng 11 ở Pisa, Ý. Pisa là một thành phố nhỏ thuộc vùng Toscana (tôi sẽ ghi chú địa danh ở Ý theo tiếng Ý vì như vậy nghe hay hơn, và tôi cũng quen hơn) - cùng với Sicilia là 2 vùng được các bạn Ý mà tôi gặp cho là đẹp nhất Ý. Tuy nhiên, tôi thấy những nơi tôi từng đến thì nơi nào cũng đẹp. Mỗi nơi có một vẻ đẹp riêng, một phong cách riêng, không khí riêng, ngôn ngữ riêng và con người riêng của nó. Mỗi lần đi ngang đi dọc là tôi lại ngắm mọi người tương tác với nhau: người già trò chuyện, người trung niên lặng lẽ ngồi cạnh nhau mỗi người một tờ báo, khách hàng vào quán bar (ở đây gọi quán cà phê nhỏ là bar) chào và hỏi thăm nhau cũng như với chủ quán, sinh viên túm năm tụm ba ở đường buôn dưa lê với ngôn ngữ cơ thể, cử chỉ đậm chất Ý... Sống ở đây được hơn 1 năm, tôi mới nói được một chút tiếng Ý, hiểu cũng kha khá, có vài quán cà phê quen, có bạn mới và không ít bạn tốt, thi thoảng có thể pha trò đùa bằng tiếng Ý, bắt đầu quen với việc học (bắt đầu thôi), ăn pizza nhiều và "chuyên nghiệp" hơn, nấu được 1-2 món Ý ... và hầu như hôm nào cũng gặp người quen trên đường để nói câu ciao dễ thương.  Nói chung không nhiều nhưng với tôi thì đây cũng là thành công lắm rồi. Vì thế nên có thể tôi muốn chia sẻ với mọi người (tất nhiên là những ai quan tâm) về những điều đẹp và hay ở Ý mà tôi cảm nhận theo cách của riêng mình. 

Hiện tại vì trong tuần tôi đi học khá nhiều nên cuối tuần (từ thứ 6) hầu như không học, chỉ đọc tin tức, đọc sách và lúc nào hứng thì đọc tài liệu (phục vụ cho việc học). Khác với tình hình căng thẳng năm ngoái, bây giờ tôi cảm thấy nhẹ nhàng hơn vì đã bắt đầu quen dần. Mọi người (và tôi trước khi sang) cứ nghĩ sang Ý chắc là ít phải học , chơi là chính. Thế mà ngược lại hoàn toàn đấy (khổ thân người Ý bị hiểu lầm)! Tôi nhớ như in khi bắt đầu kì học đầu tiên vào 24/9/2012, tôi bị choáng nặng vì chương trình học quá nhiều mà thời gian đến nghe giảng chỉ gói gọn trong 2 tháng rưỡi (một kì học). Sau đó là nghỉ Noel và đến tháng 1 và 2 là thi. Kì học mùa xuân bắt đầu vào tháng 3 và đến hè thì thi tiếp. Khi được biết là các bạn sau giờ học trên lớp sẽ học tại thư viện và về nhà cũng học, tôi hoang mang tột độ. Thói quen chưa kip hình thành mà 3 bài thi (tôi phải thi thêm 3 môn thiếu tín chỉ để được nhận chính thức) đang chờ trước mặt. Tình hình gay go, nhưng rồi cũng qua. Nói đến đây là tôi lại thấy căng thẳng nên sẽ chuyển đề tài ngay bây giờ. Tôi chỉ nói nốt một ý là các bạn Ý học chăm lắm, môi trường thì rất học thuật (có thể là do ngành tôi chọn)! Nhưng bù lại các bạn cùng lớp thì tuyệt vời.

Sang Ý tôi tự dưng trẻ ra mấy tuổi sau 1 năm :) Ý tôi là nội tâm bên trong chứ không phải hình thức bên ngoài :)). Chắc là do học cùng toàn với các em (hoặc các cháu - bằng tuổi con các chị đồng nghiệp ở nhà). Người Ý cũng trẻ lâu, do biết cách hưởng thụ cuộc sống, theo tôi là như vậy. Sống là phải gần thiên nhiên và cảnh đẹp, ăn là phải ngon phải đẹp, cà phê là phải đặc và ít sữa (nếu có) - may quá mấy cái này tôi cũng thích. Hồi tháng 7 vừa rồi đến gặp một ông thầy để ghi điểm sau khi thi (bên này được cái cứ thi cho đến khi hài lòng với kết quả thì lấy kết quả cuối cùng), sau khi hỏi thăm một hồi tình hình học hành và cuộc sống ở đây, ông ấy bảo: Đừng quên hè này phải đi biển đấy nhé! (tôi chả nói nhưng trong bụng nghĩ thầm: vâng, ngày kia tôi ra sân bay đi biển 1 tháng rồi, chào thầy nhé!)

Tôi đi làm bài tập tiếng Ý đây! Mai sẽ lại được đến lớp tiếng Ý (mới học được 3 tuần) trong vườn bách thảo với kính trong suốt, đúng kiểu: học cũng phải đẹp! :)

Đây là lớp học trong vườn bách thảo, cứ bàn đầu mà ngồi thôi :)